Sau khi xảy ra sự cố rơi máy bay, người ta thường phải tìm kiếm hộp đen được lắp đặt sẵn trên máy bay để điều tra sự thật xảy ra tai nạn. Hộp đen này rốt cuộc là gì vậy?
Nguyên là trong hộp đen có ghi lại rất nhiều thông tin quan trọng. Những thông tin này chủ yếu gồm hai loại: một loại là thông tin trạng thái như độ cao bay, tốc độ, hướng bay trước khi xảy ra tai nạn. Lúc nào mở cánh bay phụ, lúc nào thu lại giá cất cánh và hạ cánh. Nó là phần ghi chép của các thiết bị loại cảm biến. Loại khác là các loại thông tin âm thanh trong khoang máy như cuộc nói chuyện giữa lái chính và phụ lái, cuộc đối thoại khi liên lạc truyền thông với mặt đất, còn cả tiếng báo động, tiếng khởi động máy, thậm chí cả tiếng va đập, tiếng nổ đáng sợ trước khi máy bay rơi v.v. Tất cả cái đó đều được một máy ghi âm chống chấn động ghi lại. Hộp đen có thể luôn luôn giữ được hai loại thông tin này 30 phút sau cùng trước khi máy bay nổ. Những thông tin và tư liệu ghi trong hộp đen sẽ giúp ích rất nhiều cho các chuyên gia muốn làm rõ sự thật về tai nạn máy bay.
Vậy khi máy bay gặp sự cố, người chết mà hộp đen vẫn còn nguyên vẹn? Đó là vì hộp đen là hộp bọc kín dùng vật liệu kim loại đặc biệt và công nghệ gia công đặc biệt chế tạo ra. Nó có thể phòng hỏa, chống nước, chống ăn mòn, chống va đập “không thể phá nổi”. Bởi vậy, có thể nói nó thường là “người chứng kiến” sống sót duy nhất sau khi máy bay rơi. Hộp đen thường được cố định tại phần đuôi của máy bay để giảm tối đa ảnh hưởng khi máy bay nổ và cháy.
Có được hộp đen rồi thì phải chăng chắc chắn sẽ điều tra ra sự thật tai nạn máy bay? Sự việc thường đâu có đơn giản như vậy! Hộp đen đương nhiên là một chiếc chìa khóa vàng để tìm hiểu nguyên nhân sự việc. Nhưng nó đâu phải là linh đơn thần dược. Có lúc nó chỉ ghi lại được một mảnh đoạn làm cho ta càng thêm nghi ngờ bối rối.
Cùng với sự đổi mới hằng ngày của khoa học kỹ thuật, hiện nay người ta đã áp dụng những phương pháp phân tích tiên tiến. Các chuyên gia đã tìm mọi cách sử dụng khéo léo những tin mà hộp đen cung cấp để làm ra một “thiết bị mô phỏng chuyến bay”, bắt chước thật giống như tình hình phi cơ trước khi gặp nạn như độ cao, vị trí, trạng thái bay. Thông qua quá trình mô phỏng này, người ta sẽ đoán định ra nguyên nhân vụ tai nạn. Ngoài ra, còn có thể sử dụng máy tính để làm ra “phim hoạt hình chuyến bay” với tất cả những tin và tư liệu mà hộp đen cung cấp. Các chuyên gia có thể xem xét quá trình máy bay gặp nạn trên màn hình máy tính một cách trực quan. Từ đó họ có thể đi sâu làm rõ sự thật.
Hộp đen thực ra không phải là màu đen. Vỏ ngoài của nó thường được quét lớp sơn màu da cam đẹp mắt. Như vậy, cho dù nó rơi trên mặt đất hay xuống nước đều có thể dễ dàng tìm ra. Ngoài ra, để mọi người dễ phát hiện ra nó, các nhà thiết kế còn lắp đặt một thiết bị bên trong, nó có thể liên tục phát ra những tín hiệu sóng siêu âm đặc biệt. Và người ta có thể nhanh chóng tìm ra nó bằng thiết bị dò tìm.