Nói tới truyền thông vi ba, có lẽ mọi người chưa rõ là cái gì. Nhưng nói tới rađa và chương trình truyền hình vệ tinh chuyển phát thì mọi người chẳng lạ gì. Trên thực tế thì rada và vệ tinh truyền thông đều sử dụng vi ba để phát hiện mục tiêu và tiến hành truyền thông khoảng cách xa.
Vậy thì, tại sao sóng vi ba lại đảm nhận trọng trách thông tin cự li xa? Trên thực tế, vi ba thuộc sóng điện từ. Nó cùng sóng dài, sóng trung và sóng ngắn đều là thành viên của gia đình sóng điện từ. Các nhà khoa học phát hiện rằng độ rộng của dải tần sóng vi ba bằng 1000 lần của tổng dải tần sóng dài, sóng trung và sóng ngắn. Thiết bị truyền thông sóng ngắn thông thường chỉ có thể chứa được đồng thời mấy đường thoại truyền thông. Còn một thiết bị thông tin vi ba lại có thể cho phép mấy nghìn đường thoại cùng làm việc. Do tín hiệu hình ảnh truyền hình có dải tần rất rộng, bởi vậy, tín hiệu truyền hình truyền tải phải dùng đến nó. Ngoài ra, chùm sóng vi ba rất hẹp, có tính phương hướng mạnh, sử dụng công suất bé cũng có thể truyền tín hiệu đi xa. Lại nữa, cái hay của tính phương hướng mạnh là ở chỗ có thể làm giảm bớt hiện tượng nhiễu trong truyền thông. Do truyền thông vi ba có các ưu điểm như dải tần rộng, lượng thông tin mang đi lớn, bị ngoại giới gây nhiễu ít, xây dựng trạm nhanh, đầu tư không lớn, từ đó mà người ta nghĩ tới dùng vi ba làm biện pháp truyền tải thông tin.
Thế nhưng bước sóng của vi ba rất ngắn chỉ có 1 mm đến 1m, trong hành trình đường dài truyền tải tín hiệu, nó không như sóng dài, khi gặp vật chướng ngại thì có thể sải bước dài vượt núi trèo non; cũng không như sóng ngắn, có thể phản xạ sóng điện từ trên tầng điện li để thực hiện truyền thông khoảng cách xa. Vi ba có những đặc tính tựa như sóng quang, như là tia sáng vậy. Đường truyền tải của nó là đi thẳng về phía trước. Lại nữa, khả năng nhảy ngược lại của nó rất mạnh, hễ gặp vật trở ngại thì bị phản xạ trở lại. Bởi vậy, vi ba chỉ có thể truyền lên không trung. Mọi người đều biết, Trái Đất hình cầu mà vi ba chỉ có thể truyền đi theo tầm nhìn, không thể truyền theo đường vòng của Trái Đất. Có nghĩa là, khoảng cách truyền tải của vi ba chỉ bó hẹp trong một phạm vi hai bên nhìn thấy nhau được. Dù cho có đặt anten trên đỉnh núi cao 40 m thì vi ba cũng bị “cái bụng to” của Trái Đất ngăn trở. Khoảng cách truyền tải chỉ hơn 50 km.
Vậy có cách gì để sóng vi ba đi được xa hơn không?
Các nhà khoa học nghĩ tới phương pháp “chạy tiếp sức”. Các bạn từng tham dự đại hội thể dục thể thao đều biết rõ chạy tiếp sức chứ. Trong cuộc đua chạy tiếp sức quyết liệt, chiếc tín gậy nhỏ bé được truyền tay các vận động viên, mỗi người phải chạy hết chặng đường của mình bằng tốc độ nhanh nhất. Để truyền tín hiệu đi xa hơn, truyền thông vi ba cũng áp dụng phương thức chạy tiếp sức. Người ta cứ cách 50 km lại đặt một trạm trung kế vi ba. Một dãy trạm trung kế vi ba cũng tựa như phong hỏa đài thời xưa, mỗi trạm đều có anten cao vút thu nhận tín hiệu trạm trung kế rồi khuếch đại. Sau đó mới truyền cho trạm khác. Cứ như vậy, từng trạm truyền cho nhau, thực hiện truyền thông khoảng cách xa.