Trí tuệ nhân tạo là gì?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

“Trí tuệ nhân tạo (hay trí thông minh nhân tạo, AI, tiếng Anh là artificial intelligence hay machine intelligence – btv) là trí tuệ được thể hiện bởi bất kì hệ thống nhân tạo nào. Từ trí tuệ (hay trí thông minh) ngày nay rất thịnh hành, như card thông minh, thiết bị thông minh, tòa nhà thông minh, v.v. Trí tuệ mà chúng ta bàn tới ở đây là trí tuệ của con người, là năng lực biểu hiện từ lao động trí óc trong hoạt động nhận thức thế giới và cải tạo thế giới của loài người. Nó biểu hiện thành:

(1) Năng lực nhận thức và lí giải môi trường. Tức việc cảm nhận thông tin bên ngoài thông qua các hoạt động của các cơ quan thụ cảm như thị giác, thính giác, xúc giác.

(2) Năng lực đưa ra khái niệm, xây dựng phương pháp, tiến hành suy lý quy nạp và diễn dịch, đưa ra quyết sách. Tức việc kịp thời xử lí thông tin, phân tích trừu tượng, phán đoán và suy lý về sự vật thông qua hoạt động sinh lý và hoạt động tâm lý của bộ óc con người.

(3) Năng lực học tập. Tức việc không ngừng làm phong phú tri thức và kỹ năng của bản thân thông qua quá trình giáo dục, huấn luyện và học tập.

(4) Năng lực tự thích ứng. Tức việc phản ứng linh hoạt đối với hoàn cảnh ngoại giới biến đổi khôn lường.

Với bốn điểm kể trên thì người máy ca múa cổ đại, người tượng bưng trà và máy tính bốn phép tính đều không có trí tuệ nhân tạo. Vì vậy trí tuệ nhân tạo là gì đây? Trí tuệ nhân tạo là khoa học nghiên cứu và chế tạo máy thông minh hoặc hệ thống trí tuệ nhân tạo để mô phỏng hoạt động trí tuệ nào đó của con người, nhằm kéo dài trí năng của loài người.

Người ta hy vọng là máy móc có được trí tuệ và làm những công việc nào đó thay cho bộ óc con người. Nhiều hoạt động của con người như giải toán, đoán câu đố, đánh cờ, nói chuyện, xây dựng kế hoạch, học tập đều cần có khả năng kể trên, tức là cần đến trí năng. Nếu máy tính có khả năng làm được việc này thì có thể cho rằng loại máy tính này đã có trí tuệ nhân tạo ở mức độ nào đó.

Lĩnh vực nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo thực là rộng, nó hầu như đụng chạm đến các ngành khoa học mà con người sáng tạo ra như toán học, vật lý, tin học, tâm lí học, sinh lí học, y học, ngôn ngữ học, lôgic học, kinh tế, pháp luật, triết học. Bởi vậy, đây là một ngành khoa học tổng hợp.

Hiện nay việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo có hai con đường. Một là thực hiện trí tuệ nhân tạo từ khía cạnh mô phỏng chức năng bộ não con người, tức là thông qua việc vận hành chương trình máy tính để đạt được hiệu quả giống như quá trình hoạt động tư duy của con người. Đó là mục tiêu gần để thực hiện trí tuệ nhân tạo. Một con đường khác là nghiên cứu ngay vào mô hình thần kinh đại não của con người để vén bức màn bí mật của trí năng con người. Đây là mục tiêu lâu dài. Tóm lại, mục tiêu cuối cùng là phải làm rõ nguyên lý hữu quan tới trí tuệ nhân tạo, sao cho máy tính có trí tuệ và thông minh hơn, hữu dụng hơn.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ