Vì sao hầu như không hề có tiếng nói giống nhau?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Khi ta nói hoặc hát, âm thanh do yết hầu phát ra, chính xác hơn là do thanh đới của yết hầu phát ra. Thanh đới là một tập hợp các lớp niêm mạc trong hầu, nó dai và có tính đàn hồi, giống như các dây đàn màu trắng bạc. Khi phát âm, dưới sự kích thích của dòng khí, niêm mạc của thanh đới sẽ rung lên như làn sóng, phát ra những âm sắc muôn màu muôn vẻ.

Vì thanh đới của mỗi người dài ngắn khác nhau cho nên âm thanh phát ra cũng cao thấp khác nhau. Ví dụ, thanh đới của trẻ em dài 6-8 mm, của con gái tuổi thành niên dài 15-20 mm, của con trai tuổi thành niên dài 20-25 mm. Vì vậy, tiếng nói của trẻ em vừa sắc vừa cao, của nam giới vừa thấp vừa trầm, khác nhau rất rõ. Nhưng trên thế giới này có hơn 5 tỷ người, những người có thanh đới dài ngắn hoàn toàn giống nhau chắc là rất nhiều, vậy vì sao tiếng nói của mọi người lại không hoàn toàn giống nhau?

Các nhà khoa học khi xác định tiếng nói của người đã căn cứ vào thanh điệu cao thấp và âm sắc để phân thành “thanh phổ”. Từ thanh phổ, họ phát hiện thấy hầu như không có người nào âm thanh hoàn toàn giống nhau. Đó là vì khi người ta phát âm, tuy thanh đới có vai trò cực kỳ quan trọng nhưng nó không hoàn toàn quyết định đặc điểm âm thanh. Vấn đề này còn liên quan đến hệ thống cộng hưởng. Khi con người phát âm, ngoài thanh đới, các bộ phận khác như hầu, yết, khoang miệng, khoang mũi, lồng ngực… đều cùng tham gia sản sinh chấn động. Vì các cơ quan và bộ vị của mỗi người không hoàn toàn giống nhau nên kích thước và hình dạng của chúng khó tránh khỏi có những khác biệt nho nhỏ. Ngoài ra, sự khác biệt về đầu lưỡi, hàm răng, môi, gò má, tuổi tác, giới tính, khí chất, sự giáo dục… khiến cho âm sắc, âm điệu, cường độ, tiết tấu trở nên muôn hình muôn vẻ, tạo nên đặc trưng âm thanh riêng của từng người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ