Vì sao khi miệng vết thương sắp lành thường cảm thấy ngứa?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

“Khi miệng vết thương sắp khép kín, ta thường cảm thấy ngứa. Người già hay nói: “”Không can gì, đó là vết thương sắp khỏi””. Quy luật chung quả thực là như thế: Khi miệng vết thương phát ngứa thì sau đó vết thương sẽ lành. Vì vậy, người ta lấy hiện tượng ngứa làm tín hiệu để biết vết thương sắp khỏi.

Tuy nhiên, không phải tất cả các vết thương đều như thế.

Da của người có nhiều lớp, ở đáy của lớp biểu bì có một tầng tế bào gọi là tầng phát sinh, có sức sống rất mạnh. Giống như mầm non của cây cỏ, nó không ngừng sinh sôi nảy nở. Khi vết thương trên da không sâu, tầng này giúp nó lành mau. Trong quá trình tế bào sinh sôi, vì miệng vết thương không sâu nên thần kinh không bị kích thích, bệnh nhân không có cảm giác ngứa, vết thương sau khi lành cũng không để lại vết sẹo.

Nếu vết thương sâu và rộng (lớp da trong bị tổn thương), trong quá trình liền miệng, chung quanh miệng vết thương sẽ hình thành những mầm thịt gọi là tổ chức kết đế. Những mạch máu mới sẽ mọc ra ở lớp kết đế này. Vì dày đặc và mọc nhanh nên chúng rất dễ chèn ép và kích thích những tế bào thần kinh mới mọc, gây ngứa.

Năng lực tái sinh của các tổ chức trong cơ thể không giống nhau. Khả năng tái sinh của tổ chức thần kinh là tương đối chậm so với các tổ chức khác nên trong quá trình vết thương lành miệng, sự tái sinh của tổ chức thần kinh xuất hiện muộn nhất. Nói chung, khi thần kinh đã phát triển tốt cũng là lúc miệng vết thương đã lành, đầu cuối thần kinh và mạch máu mới sinh đã mọc sâu vào tổ chức kết đế, tri giác cục bộ cũng dần dần được khôi phục, cho nên miệng vết thương dễ sinh ngứa. Chờ đến khi miệng vết thương lành hẳn thì độ nhạy cảm kích thích đối với thần kinh sẽ giảm xuống, bạn sẽ không thấy ngứa nữa.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ