Người bị tán quang nhìn vật gì cũng mơ hồ không rõ. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do độ cong của giác mạc biến đổi. Giác mạc là ô cửa ở phía trước nhãn cầu, nó không những phải trong suốt, trơn tru mà còn phải có hình bán cầu hoàn chỉnh. Công năng chủ yếu của nó là tập trung các tia sáng lại, khiến cho các tia đó khi đi vào đồng tử sẽ tập trung ở tiêu điểm (nằm trên võng mạc của đáy mắt), sau đó phản ánh lên đại não. Nhờ đó, con người nhìn rõ mọi vật. Khi giác mạc bị biến dạng, bề mặt lồi lõm không quy chuẩn, ánh sáng sẽ không tập trung thành tiêu điểm trên võng mạc mà phân tán về các phía, làm cho ảnh vật mơ hồ. Đó là hiện tượng “tán quang”. Sự tán quang này không có quy tắc, rất khó dùng kính để hiệu chỉnh.
Ngoài ra, có một loại tán quang có quy tắc (độ cong của giác mạc ở một phía nào đó không vuông góc với hướng ánh sáng đi đến), gồm đơn thuần tán quang viễn thị, đơn thuần tán quang cận thị, tán quang cả viễn thị và cận thị… Loại này có thể dùng kính để hiệu chỉnh.
Giác mạc không phẳng có thể do di truyền hoặc bị bệnh (sẹo giác mạc sau loét hoặc chấn thương). Ở mức độ nhẹ, tán quang có quy tắc nói chung không ảnh hưởng đến thị lực, nhưng khiến mắt mệt mỏi, không thoải mái.
Vì vậy, nếu mắt bị tán quang thì nên sớm đến bác sĩ kiểm tra, khi cần thiết phải đeo kính có độ thích hợp.