Vì sao mũi có thể ngửi được các loại mùi?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Mũi người có hai công năng: hô hấp và nhận biết mùi. Trong cuộc sống thường ngày, vai trò của cơ quan khứu giác là không thể thiếu được. Ví dụ, khi mắt ta chưa nhìn thấy, tai chưa nghe thấy thì mũi đã ngửi thấy mùi cháy, do đó mà cảnh giác được với nạn hỏa hoạn, kịp thời dập tắt ngọn lửa. Có một số đồ vật khi ta cầm lên, nhìn, nghe nhưng vẫn chưa biết nó là gì, nhưng khi đưa lên mũi ngửi thì lập tức biết được. Điều đó chứng tỏ khứu giác có thể giúp ta phân biệt các chất khác nhau.

Có người nhờ chế độ tập luyện đặc biệt mà mũi có khả năng phân biệt rất cao. Ví dụ, thợ lành nghề trong các ngành nước hoa và tinh dầu là những chuyên gia ngửi mùi. Họ chỉ dùng mũi là có thể phân biệt được nhiều loại nước hoa, hương thơm, thẩm định chất lượng chúng tốt hay xấu. Những chuyên gia đánh giá chất lượng sản phẩm trà, rượu, cà phê… ngoài việc sử dụng vị giác còn dùng khứu giác nhạy cảm của mình để đánh giá chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, khứu giác còn làm tăng thêm cảm giác ngon miệng. Sau khi mũi biết được hương vị hấp dẫn của thức ăn, ta sẽ thấy thèm ăn. Khi tịt mũi, ăn gì cũng không cảm thấy ngon. Thực ra những thức ăn ấy vẫn ngon, chẳng qua vì mũi không ngửi thấy mùi thơm cho nên không kích thích ngon miệng mà thôi.

Mũi có thể ngửi được các loại hương vị là do niêm mạc trên thành khoang mũi (rộng khoảng 5 cm2) có hơn 10 triệu tế bào khứu giác; chúng có liên quan với đại não. Như ta đã biết, mùi vị là do các chất bốc hơi thành phân tử mà gây nên. Khi ta thở, những phân tử mùi vị bay lẫn trong không khí sẽ đi vào khoang mũi, tác động vào tế bào khứu giác. Những thông tin này được truyền lên đại não. Nhờ đó mà chúng ta ngửi được các mùi vị khác nhau.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ