“Việc mọc tóc có liên quan với tình trạng sức khỏe, lứa tuổi và thời tiết. Ở người khỏe mạnh, tóc thường dày, đen nhánh. Người sức khỏe yếu tóc thường thưa, thậm chí bị rụng từng đám, tóc màu vàng, không bóng. Ở người trẻ, tóc mọc nhanh, người già tóc mọc chậm. Vào mùa hè, tốc độ hấp thu và đào thải của cơ thể nhanh nên tóc mọc cũng nhanh hơn, sang mùa đông thì chậm lại.
Chúng ta hằng ngày khi chải tóc, trên lược thường thấy có mấy cây tóc rụng. Những cây tóc này dài ngắn khác nhau, nếu thấy tóc dài nhiều hơn tóc ngắn là bình thường, nếu tóc ngắn nhiều hơn tóc dài thì không còn bình thường nữa.
Thời gian tồn tại của mỗi cây tóc là nhất định, thông thường 2 – 6 năm. Tóc dài rụng là sự thay đổi bình thường; sau khi cây tóc đó rụng, ngay chỗ gốc dần dần mọc lên một cây tóc mới. Nếu rụng tóc ngắn tức là chưa đến thời gian thay tóc mà tóc đã rụng. Điều đó có thể là do đầu chân sữa của tóc bị một ảnh hưởng bất lợi nào đó. Nếu có thể khử bỏ được nguyên nhân này thì tóc sẽ lại phục hồi bình thường.
Bình thường, tóc rụng là do hiện tượng sừng hóa phát triển dần từ chân tóc xuống đến đầu chân sữa của tóc; khi đầu chân tóc bong khỏi đầu chân sữa thì tóc rụng, một cây tóc mới sẽ mọc ra tại đó. Vì vậy, mặc dù tóc rụng hằng ngày nhưng tổng số cây tóc trên đầu vẫn không giảm mấy.
Nếu bị một yếu tố bên ngoài kích thích, tóc có thể rụng và tạm thời không mọc lại được. Ví dụ, trẻ em suốt ngày nằm gối, ma sát giữa đầu với gối khiến đám tóc chỗ đó rụng đi. Ngoài ra, khi bị sốt cao hoặc sau một cơn bệnh nặng, tóc cũng rụng rất nhiều, có lúc dùng tay vuốt đã có thể làm rụng hàng túm tóc. Đó là sự rụng tóc có tính tạm thời. Sau một thời gian, tóc vẫn có thể phục hồi.
Nếu da đầu bị phá hoại do ngoại thương, bỏng hoặc mụn nhọt, sau khi thành sẹo, tóc sẽ mất đi, không còn hy vọng mọc lại được.”